Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ điện tử y sinh, ngày càng có nhiều các thiết bị điện tử được sử dụng để hỗ trợ cho người nghe kém. Thính giác điện tử nói chung là các thiết bị điện tử được sử dụng để giúp người nghe kém có thể nghe được các âm thanh nằm ngoài ngưỡng nghe của họ.
Dựa trên đặc điểm hoạt động của từng loại thính giác điện tử có thể tạm chia thành các loại sau:
- Máy trợ thính thường quy
- Máy trợ thính cấy ghép đường xương
- Ốc tai điện tử
- Điện cực thân não
- Các hệ thống lai
Mặc dù máy trợ thính thường quy ( hay gọi tắt là máy trợ thính) có thể được phân loại là thính giác điện tử nhưng trong phạm vi của luận văn này, phần được đi sâu nghiên cứu nhiều hơn sẽ là các loại thính giác điện tử cấy ghép, thay thế hầu như toàn bộ chức năng của tai người mà tiêu biểu là ốc tai điện tử. Ốc tai điện tử là một thành tựu công nghệ đầu tiên giúp thay thế hoàn toàn một giác quan của con người bằng một thiết bị cấy ghép. Ốc tai điện tử bao hàm bên trong nó các công nghệ hàng đầu về thu nhận, mã hóa và xử lý tín hiệu âm thanh cũng như các công nghệ điều chế xung để mô phỏng các xung điện mà ốc tai gửi lên não. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về ốc tai điện tử, ta có thể nghiên cứu sơ bộ về lịch sử phát triển của máy trợ thính.
Máy trợ thính thường quy
Âm thanh thực thế được thu nhận bởi một Microphone, chuyển thành tín hiệu điện, được khuếch đại và xử lý sau đó chuyển ra loa biến đổi trở lại thành âm thanh đã được xử lý cho phù hợp với khả năng nghe của người đeo.
Về cơ bản, máy trợ thính có hai dạng là máy trợ thính Analog và máy trợ thính kỹ thuật số.
Máy trợ thính Analog chỉ đơn thuần khuếch đại toàn bộ tín hiệu âm thanh lên, có thể có thêm một số xử lý như mạch lọc, mạch kẹp,..Trong khi đó máy trợ thính kỹ thuật số sẽ số hóa toàn bộ tín hiệu âm thanh để có các thao tác xử lý đa dạng hơn với các thuật toán lọc nhiễu, khuếch đại, dịch tần, lọc tiếng nói và âm nền giúp nghe rõ hơn bớt nhiễu hơn…
Hình 2.1: Sơ đồ khối cơ bản của máy trợ thính analog và kỹ thuật số
Các thành phần chính của máy trợ thính:- Microphone: là một cảm biến chuyển đổi sự biến thiên áp suất âm thanh không khí thành tín hiệu điện
- Khối khuếch đại: Khuếch đại công suất tín hiệu
- Loa phát: Chuyển tín hiệu điện thành âm thanh
- Móc tai: Làm nhiệm vụ cố định máy trên vành tai và đồng thời dẫn truyền âm thanh vào ống tai
- Núm tai (ear mould): làm bằng vật liệu Silincon hoặc nhựa cứng, theo đúng hình dạng của từng tai sao cho đặt khít vào tai người đeo, giúp âm thanh khuếch đại không bị lọt ra ngoài dẫn đến giảm công suất và gây hú ( feedback)\
- Pin: Thường sử dụng pin 1,5V
Hình 2.2: Các thành phần chính của máy trợ thính
Các hạn chế của máy trợ thính- Máy trợ thính bị hạn chế độ khuếch đại ở tần số cao: Đây là hạn chế sinh ra do giới hạn vật lý của các phần tử rung trong tranduscer hay speaker của máy trợ thính.
- Phải sử dụng núm tai gây bí ống tai ngoài, có thể phát sinh viêm tai. Đối với trẻ nhỏ việc đeo máy trợ thính đôi khi gây khó chịu khiến bé không hợp tác để đeo máy.
- Xuất hiện tiếng hú tiếng rít ( feedback) gây khó chịu cho người đeo: Khi âm thanh máy trợ thính bị lọt ra truyền ngược trở lại mic thu nhận sẽ tạo thành một vòng lặp khiến âm bị khuếch đại rất cao tạo thành tiếng hú, tiếng rít.
- Việc hiệu chỉnh máy trợ thính cho các trường hợp điếc nặng và sâu là tương đối phức tạp, đòi hỏi phải có sự theo dõi liên tục vì lúc này máy trợ thính hoạt động ở công suất cao dễ phát sinh nhiễu, hú.
Máy trợ thính đường xương (Bone Anchored Hearing Aid)
Trong một số trường hợp bệnh lý: bệnh nhân bị dị dạng không có vành tai, không có ống tai, hệ thống xương con dẫn truyền bị hỏng không thể phục hồi, bệnh nhân không muốn đeo máy trợ thính vì bị viêm tai ứ dịch… máy trợ thính đường xương có thể giúp ích.
Máy trợ thính đường xương là một dạng máy trợ thính truyền âm thanh đầu ra theo dạng truyền rung động cơ học qua đường xương đến trực tiếp ốc tai của người đeo, bỏ qua khâu dẫn truyền của màng nhĩ, xương búa, xương đe, xương bàn đạp và cửa sổ bầu dục.
Máy trợ thính đường xương có thể được đeo ngoài, rung động truyền từ ngoài vào hoặc có thể được phẫu thuật cấy ghép trực tiếp vào xương chũm của bệnh nhân để tăng hiệu quả truyền âm thanh.
Hình 2.3: Máy trợ thính đường xương đeo ngoài dạng kính mắt, dạng băng-đôn
Hình 2.4 Máy trợ thính đường xương dạng cấy ghép bán phần BAHA - Cochlear
Hình 2.5: Máy trợ thính đường xương cấy ghép toàn phần BoneBridge – Med-EL
Để đạt được hiệu quả dẫn truyền âm thanh tốt, hầu hết máy trợ thính đường xương đều được cấy ghép lên xương sọ. Ở hình thức cấy bán phần, một chiếc vít nhỏ bằng titan sẽ được vít một phần vào hộp sọ, một phần được lồi ra ngoài. Máy trợ thính và bộ rung sẽ được vặn vào phần phía ngoài cố định ở đó và thu nhận âm thanh rồi truyền vào thông qua cây vít này. Tiêu biểu của công nghệ này là sản phẩm BAHA của hãng Cochlear đến từ Úc.
Trong vài năm trở lại đây, kỹ thuật cấy toàn phần đã được thử nghiệm thành công và đưa ra thị trường. Ở công nghệ này, bộ rung đường xương được cấy lên xương chũm và được đặt hoàn toàn dưới da. Bộ thu nhận và xử lý tín hiệu được cố định trên đầu thông qua lực hút nam châm với bộ cấy rung đường xương và hai thành phần này giao tiếp với nhau bằng sóng điện từ qua da để truyền tín hiệu. Công nghệ này được phát triển và đưa ra thị trường bởi Med-El, nhà sản xuất điện cực ốc tai của Châu Âu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét