Các nguyên nhân điếc
Điếc bẩm sinh: điếc này thường kèm theo câm gọi là câm điếc. Nguyên nhân là tật ống tai ngoài, màng nhĩ quá dày, hệ xương con không hoạt động, cơ quan Corti không phát triển, vùng thính giác ở vỏ não không phát triển hoặc bị tổn thương bẩm sinh.
Điếc mắc phải: nếu điếc xảy ra chậm, khi trẻ đã biết nói nhiều thì không câm. Nguyên nhân do thủng màng nhĩ lớn, hệ xương con bị dính hoặc bị huỷ hoại do viêm tai giữa. Đa số trường hợp này không hồi phục phải dùng máy nghe.
Điếc thần kinh: thường do thuốc gây độc hại thần kinh ốc tai như steptomycin trong điều trị lao lâu ngày, dùng quinin liều cao trong sốt rét kéo dài... lúc đầu chỉ ù tai sau đó lãng tai, cuối cùng bị điếc, ngừng thuốc ngay có thể hồi phục, nếu không sẽ bị điếc không hồi phục.
Điếc già: tế bào Corti kém hoạt động hoặc vùng thính giác vỏ não bị thoái hoá cũng là loại điếc thần kinh do già nua.
Người ta có thể dùng máy xác định khả năng nghe để phát hiện điếc bằng cách cho đối tượng nghe những âm thanh đơn ở nhiều tần số khác nhau nhờ một tai nghe gắn vào máy. Cường độ ngưỡng của mỗi tần số được xác định và ghi lên biểu đồ, so sánh số với biểu đồ chuẩn của người bình thường. Máy đo thính giác có thể đo được mức độ điếc và hình ảnh các loại âm nghe được.
Phân loại các dạng mất thính lực
Dựa trên vị trí tổn thương, tính chất của tổn thương tại một hay nhiều vị trí của con đường xử lý âm thanh của hệ thống thính giác, mất thính lực hay khiếm thính được chia thành các dạng sau
- Mất thính lực dẫn truyền: Tổn thương xuất hiện ở khâu dẫn truyền âm thanh gồm loa tai, ống tai ngoài, màng nhĩ, chuỗi xương con. Nguyên nhân có thể do dị vật cản trở, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa có dịch, chuỗi xương con bị tổn thương … Các dạng mất thính lực này thường ở dạng nhẹ đến nặng, có thể can thiệp chữa trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc máy trợ thính.
- Mất thính lực tiếp nhận: Tổn thương khu trú ở khâu tiếp nhận của tai tức tai trong hay ốc tai. Đây là cơ quan “tiếp nhận” dao động cơ học của âm thanh và chuyển thành các xung điện đưa lên não. Nếu do một nguyên nhân nào đó như bệnh tật, kháng sinh, di truyền, bức xạ, tuổi cao, viêm nhiễm khiến các tế bào lông hay các cơ quan Corti bị tổn thương, âm thanh dù lớn nhưng cũng không thể được tiếp nhận và chuyển đổi thành dạng tín hiệu điện. Do đó, mất thính lực tiếp nhận thường ở mức độ nặng cho đến sâu và thường có biểu hiện diễn tiến tức nặng thêm.
- Mất thính lực hỗn hợp: Bao gồm cả nguyên nhân dẫn truyền và tiếp nhận
- Mất thính lực thần kinh giác quan: Là dạng mất thính lực nguyên nhân do sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh lên não bị gián đoạn hoặc vùng não thính giác bị mất chức năng xử lý âm thanh, bị chất trắng che lấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét