Vì một thế giới âm thanh

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Chủ đề 1: Một số hiểu biết cần có về khiếm thính Phần 1

Bạn đã biết khiếm thính là gì chưa? Nó ảnh hưởng nhiều đến tương lai của con em chúng ta đó.

Cơ bản về thính giác và bệnh khiếm thính.

Thính giác là một trong năm giác quan của con người, là một trong hai cửa ngõ chính để con người tiếp thu thông tin. Bên cạnh thị giác giúp thu nhận hình ảnh, thính giác giúp con người thu nhận âm thanh qua đó đánh giá sự vật, thu nhận lời nói qua đó chuyển tải các thông tin trực tiếp lên não.
Đặc biệt, thính giác là tiền đề để phát triển ngôn ngữ như đã từng được biết đến là yếu tố chính giúp con người phát triển từ thời cổ đại thành người hiện đại.
Thính giác không đơn giản chỉ là cơ quan tai, phần chính của thính giác nằm tại não vỏ não, được gọi là “não thính giác”. Thành phần tai gồm có tai ngoài, tai giữa, tai trong, thần kinh thính giác có vai trò như một cơ quan ngoại vi giúp thu nhận, chuyển đổi và dẫn truyền thông tin về âm thanh lên trung khu thính giác.
Khiếm thính là tình trạng bệnh ở người hoặc động vật có thính giác kém, suy giảm trong khi các cá thể khác có thể nghe được âm thanh một cách dễ dàng. Ngoài ra Tiếng Việt còn sử dụng các từ như “điếc”,”nghe kém”, “mất thính lực”, “lãng tai”.. để diễn tả tình trạng bệnh này.
Như vậy khiếm thính nói chung chỉ sự khiếm khuyết ở cơ quan thính giác từ tai cho đến não bộ khiến cho việc nhận biết âm thanh bị kém đi.

Ảnh hưởng của bệnh khiếm thính lên bệnh nhân, gia đình và xã hội

Đến nay vẫn chưa có một thống kê đầy đủ nào của các tổ chức, cá nhân nào đó về ảnh hưởng của khiếm thính lên cá nhân người bệnh, gia đình và xã hội. Tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu, đánh giá đều cho thấy việc khó khăn trong tiếp nhận âm thanh là cản trở lớn đối với sự phát triển, chất lượng cuộc sống của những cá nhân mắc phải. Đặc biệt đối với trẻ em bị khiếm thính bẩm sinh hoặc khiếm thính từ rất sớm trong giai đoạn phát triển hình thành tư duy của não bộ, việc không nghe được có thể dẫn đến việc trẻ không thể học nói được và không thể học kiến thức văn hóa được. Trẻ chỉ còn con đường học thông qua ngôn ngữ ký hiệu, qua mắt là những phương thức khó khăn và không được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Kết quả từ sự thiệt thòi trên là một cá nhân phát triển không toàn diện, năng suất lao động kém và bị hạn chế trong các cơ hội của cuộc sống, sự nghiệp.

Vai trò của thính giác với sự phát triển của trẻ

Trẻ em học ngôn ngữ từ trong bụng mẹ, ngay từ lúc lọt lòng bé đã giao tiếp với mẹ thông qua các âm thanh mẹ nựng, ru, xi tè… bằng cách lắng nghe lâu dài não bộ trẻ hình thành nên vùng thính giác ở vỏ não. Giai đoạn phát triển ngôn ngữ bùng nổ ở trẻ từ 1-3 tuổi sau thời gian này sự phát triển ngôn ngữ giảm dần và giảm đáng kể ở trẻ sau 6 tuổi. Phần lớn trẻ học thông qua nghe lỏm, nghe đoạn hội thoại của người lớn và bắt chước lại. Nếu thính giác kém thì đương nhiên ngôn ngữ sẽ kém phát triển.
Vai trò của thính giác điện tử trong việc giúp trẻ em hòa nhập với cộng đồng
Trẻ em nếu được can thiệp máy trợ thính, cấy ghép ốc tai điện tử sớm sẽ có cơ hội phát triển ngôn ngữ gần như trẻ bình thường. Trong nghiên cứu của May-Mederake  trên 63 trẻ được cấy ốc tai sớm trước 02 tuổi (tuổi cấy trung bình là 14.8 tháng tuổi) dựa trên Điểm vấn đáp ngôn ngữ trong sách littleEARS, cho ra kết quả như sau:
 
Có thể thấy nếu trẻ được can thiệp sớm thì khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ tiệm cận với khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ bình thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét